Top 10 công trình kiến trúc nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh (PHẦN 2)

Jan 29 , 2021  |  1,638

Tiếp nói phần 1, chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ với các bạn những công trình kiến trúc đẹp nổi tiếng nhất Sài Gòn.

Bưu điện trung tâm

Trải qua hơn trăm năm tồn tại, tòa nhà Bưu điện Trung tâm Sài gòn hiện vẫn là một công trình kiến trúc đẹp và ấn tượng. Tòa nhà mang phong cách kiến trúc phương Tây kết hợp với nét trang trí phương Đông này được người Pháp xây dựng trong khoảng những năm 1886 - 1891. Bưu điện Trung tâm Sài gòn là công trình kiến trúc đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh. Bưu điện Trung tâm Sài gòn tọa lạc ở số 2 đường Công xã Paris, trên vùng đất cao nhất của thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với Nhà thờ Đức Bà ở phía đối diện, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn là một trong những ví dụ đẹp nhất về kiến trúc Phục hưng ở Việt Nam.

Công trình ban đầu xây dựng và khánh thành là do kiến trúc sư Gustave Eiffel chủ trì, sau 23 năm thì kiến trúc sư Villedieu và phụ tá Foulhuox thiết kế xây dựng mới lại. Những đặc trưng tuyệt mỹ của tòa nhà ba tầng nửa chìm nửa nổi, nhìn từ phía bên ngoài, là hàng cửa sổ uốn cong, chiếc đồng hồ lớn phía trên cửa chính vào tòa nhà và lá cờ đỏ sao vàng, quốc kỳ Việt Nam, tung bay trong gió. Bên trong tòa nhà Bưu điện Trung tâm Sài gòn, trần nhà hình vòm cung tương ứng với cửa ra vào được nâng đỡ bởi hai hàng trụ và hệ thống vĩ kèo bằng sắt, nổi bật với thiết kế công phu có các đấu nối là những hoa văn đẹp.

Khách du lịch đến thăm Bưu điện Trung tâm Sài gòn, một phần là để ngắm nét kiến trúc độc đáo của bưu điện này, phần khác là để được đắm mình vào một thế giới của sự cổ xưa, từ chiếc hòm bỏ thư, cho đến các quầy gọi điện thoại. Người ta cũng có thể nghỉ chân trên những chiếc ghế dài bằng gỗ đánh mà tuổi đời dễ cũng cả trăm năm. Bên trong tòa nhà Bưu điện, ngỡ như thời gian đang trôi rất chậm, bởi ở bất kỳ góc nào, cũng có thể bắt gặp một thoáng Sài Gòn xưa. Trải qua hơn trăm năm tồn tại, tòa nhà Bưu điện Trung tâm Sài gòn hiện vẫn là một công trình kiến trúc đẹp và ấn tượng.

Địa chỉ: Số 2 Công xã Paris, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chợ Bến Thành

Chợ Bến Thành nằm ở Cửa Nam - nơi giao cắt giữa các con đường Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tôn và công trường Quách Thị Trang, phường Bến Nghé, quận 1 và là ngôi chợ lâu đời nhất tại đây. Biểu tượng nổi bật nhất của chợ chính là hình ảnh đồng hồ ở ngay cửa nam của ngôi chợ tựa như đồng hồ Big Ben ở London. Chợ có lịch sử hình thành từ đầu thế kỷ 17, lúc đó chợ nằm gần sông Sài Gòn và là nơi mua bán của các tiểu thương. Đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, bến này dùng để phục vụ cho khách vãng lai và quân nhân vào thành. Vì vậy, chợ có tên là Chợ Bến Thành.

Với diện tích trên 13.000m2, Chợ Bến Thành bán bán chủ yếu các mặt hàng quần áo, vải sơi, giày dép, thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tươi sống, trái cây và hoa tươi. Ngoài ra, chợ còn rất phong phú với các quán ăn vặt, món ăn đậm chất các vùng ở miền Nam. Len lỏi giữa các gian hàng, du khách chắc chắn sẽ choáng ngợp với sự đa dạng mặt hàng ở đây. Bạn có thể dễ dàng tìm cho mình những món đồ ưng ý từ những quà lưu niệm tại đây. “Rực rỡ - Nhộn nhịp” là những gì có thể thấy ở chợ Bến Thành khi trăng lên. Dường như đây mới là thời điểm “sống thật” của khu chợ này. Nhiều hoạt động giao thương, nhiều khách du lịch và người dân địa phương tham quan, thưởng thức các món ăn, sẵn sàng sống với một “Sài Gòn thứ 2” - Sài Gòn về đêm.

Địa chỉ: Đường Lê Lợi, Phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trụ sở Uỷ ban nhân dân

Trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những công trình kiến trúc cổ điển ở Thành phố Hồ Chí Minh, được xây dựng từ năm 1898 đến 1909. Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên là Hotel de ville trong tiếng Pháp hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt. Đến thời Việt Nam Cộng hòa, nó được gọi là Tòa đô chánh Sài Gòn vì là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thủ đô. Từ sau ngày Việt Nam thống nhất đến nay, tòa nhà là nơi làm việc của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Địa chỉ hiện nay là số 86 đường Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, nằm ngay đầu đường Nguyễn Huệ hướng ra sông Sài Gòn.

Công trình này do kiến trúc sư Femand Gardè thiết kế mô phỏng từ tòa thị chính Paris theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp, với phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có hai tầng mái đăng đối, bên trái và bên phải tòa nhà thấp hơn so với các phần còn lại. Thiết kế mặt đứng công trình có sự pha trộn của nhiều phong cách kiến trúc châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu kiến trúc Phục Hưng, trang trí phù điêu kiểu Baroque và Rococo, các cửa sắt kiểu Art Nouveau... Bộ ba phù điêu trên tòa nhà (giữa và trái, phải) là hình tượng nhân cách hóa quốc gia về Nữ thần Marianne - được coi là hiện thân cho Cộng hòa Pháp, biểu hiện cho những giá trị tự do, bình đẳng, huynh đệ, bác ái.

Địa chỉ: Số 86 Lê Thánh Tôn, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Bến Nhà Rồng

Bến Nhà Rồng nằm trên sông Sài Gòn và được xây dựng từ 1864, trên khu vực gần cầu Khánh Hội, nay thuộc địa chỉ Số 01 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Nằm ngay cửa ngõ thương cảng sầm uất nhất nước, trước mặt là sống Bạch Đằng lộng gió,cả bến cảng chính là nơi góp phần tô điểm cho thành phố thêm lung linh, lộng lẫy khi thành phố lên đèn. Toà nhà có đôi rồng gắn trên nóc quay đầu chầu mặt trăng theo lối kiến trúc xưa của người Việt Nam nên thường được gọi là nhà Rồng. Nơi đây được xây dựng từ những năm 1863 và được người pháp sử dụng làm trụ sở thương cảng Sài gòn lúc bấy giờ. Chính tại đây, suốt những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân thành phố đã tổ chức những cuộc biểu tình, bãi công để phản đối chính quyền thực dân và bọn tay sai. Sau bao nhiêu năm, dù đã được sửa sang lại theo lối kiến trúc phương Tây nhưng cũng không làm lu mờ đi vẻ cổ kính xưa kia của nó.

Bến Nhà Rồng hiện nay là bảo tàng Hồ Chí Minh - một trong các chi nhánh trong hệ thống các Bảo tàng và di tích lưu niệm về Hồ Chí Minh trong cả nước với 3 phòng trưng bày, sau hai lần chỉnh lý (1990, 1995) lúc này đã có 09 phòng với 1482,62m2 diện tích trưng bày, 02 kho bảo quản 10.927 tài liệu, hiện vật và hàng trăm hiện vật trưng bày ngoài trời. Bảo tàng là nơi thường xuyên tổ chức những hoạt động tuyên truyền giáo dục rộng rãi như: hội nghị khoa học, các cuộc tọa đàm giữa các thế hệ, nói chuyện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới thiệu và chiếu phim tư liệu, hồi ký, các ấn phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về Bảo tàng, in lịch, tổ chức kết nạp Đảng, Đoàn, Đội, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về tiểu sử, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Bảo tàng còn là nơi hội họp, gặp gỡ lý tưởng của các tổ chức, đoàn thể đến sinh hoạt truyền thống, học tập, vui chơi; là địa điểm tổ chức lễ ra quân của nhiều phong trào quần chúng sôi nổi của Thành phố. Ngày nay, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đang ngày càng cố gắng trưng bày, tu sửa bảo tàng sinh động, phong phú hơn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Địa chỉ: 01 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn tổng hợp

KIẾN TRÚC VÀ THIẾT KẾ

Về chúng tôi

Tin tức mới